Tin hoạt động
Đăng ngày: 27/09/2019 - Lượt xem: 189
Cải tiến phương án thi THPT phù hợp với lộ trình tự chủ đại học, đổi mới phương pháp dạy và học

Ngày 25/9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông và Đại học, Cao đẳng sau năm 2020.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Năm 2020, tiếp tục tổ chức ổn định Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia như năm 2019

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, thực hiện Phương án tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia theo lộ trình từ năm 2015 đến năm 2020, có rút kinh nghiệm từng năm, đã đáp ứng yêu cầu thi cử gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh và xã hội. Tuy nhiên, trong Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 còn xảy ra tình trạng tiêu cực và gian lận trong công tác tổ chức chấm thi trắc nghiệm ở tại 3 Hội đồng thi các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, gây tâm lý lo ngại trong học sinh và dư luận xã hội.

Năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát quy trình, tổng kết, đánh giá, nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia các năm trước, áp dụng nhiều giải pháp điều chỉnh nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập trong tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 theo hướng tăng cường vai trò của các trường Đại học, Cao đẳng; tăng cường ứng dụng thiết bị kỹ thuật, công nghệ thông tin trong tổ chức thi, nhất là tăng cường chức năng bảo mật của phần mềm chấm thi trắc nghiệm; tăng cường thanh tra, kiểm tra trong tổ chức thi. Các giải pháp điều chỉnh này đã phát huy hiệu quả, khắc phục được hạn chế, bất cập trong tổ chức thi các năm trước, ngăn chặn tiêu cực phát sinh để tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019 an toàn, nghiêm túc.

Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức ổn định Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia như năm 2019; đồng thời, xây dựng Phương án thi xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng từ sau 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông
 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày báo cáo các nội dung xin ý kiến, thảo luận. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày báo cáo các nội dung xin ý kiến, thảo luận. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Phương án đổi mới thi xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng từ sau 2020 được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc:
Thứ nhất, bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh; không gây xáo trộn đối với việc dạy, học của giáo viên và học sinh; không gây bức xúc xã hội; bảo đảm đúng quy định của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Thứ hai, kế thừa kết quả đã đạt được trong tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia giai đoạn 2015-2020; đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và lộ trình tăng cường tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Thứ ba, ứng dụng hiệu quả các thành tựu của khoa học Đo lường và Đánh giá trong giáo dục; áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại và ứng dụng tối đa thế mạnh của công nghệ thông tin trong tổ chức thi, tham khảo các mô hình tổ chức thi của các tổ chức khảo thí quốc tế hàng đầu (ACT, ETS,...), từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới.

Học sinh hoàn thành chương trình lớp 12, nếu đáp ứng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông (hoặc Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên) cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình Trung học Phổ thông; nếu có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông sẽ được tham gia Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia.

Phương thức tổ chức thi được thực hiện thi trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình, đảm bảo tính khả thi. Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).

Về lộ trình, ông Mai Văn Trinh cho biết, giai đoạn 2021-2025, cơ bản giữ ổn định như Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019; thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi, đặc biệt là phương thức tổ chức thi trên máy tính. Theo đó, các bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được giữ ổn định như năm 2019; cấu trúc lại các câu hỏi trong các bài thi tổ hợp tự chọn (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội) theo chuẩn đầu ra của chương trình, chủ yếu là đánh giá kiến thức, kỹ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực; giảm số lượng câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện thành bài thi tích học phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; mỗi bài thi khi chấm chỉ cho ra 1 đầu điểm duy nhất, không còn 4 đầu điểm như hiện nay. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chung, UBND các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức Kỳ thi tại địa phương mình. Các cơ sở giáo dục đại học được Bộ điều động tham gia các khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi, tổ chức chấm thi và phúc khảo bài thi.

Giai đoạn tiếp theo, tiếp tục ổn định kỳ thi cho các học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông. Những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế và đặc biệt là hoàn thiện phương thức thi trên máy tính sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trước 1 năm các nội dung cụ thể về phương thức tổ chức, nội dung thi, hình thức thi... để phụ huynh và học sinh chủ động trong dạy học, ôn tập và chuẩn bị tham gia kỳ thi.

Thảo luận tại cuộc họp, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh chương trình giáo dục phổ thông mới chuyển cách dạy từ truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực học sinh. Vì vậy, việc hoàn thiện kỳ thi Trung học Phổ thông hết sức cần thiết, đặc biệt là khâu ra đề thi, ngân hàng câu hỏi. Về giải pháp, ông nhận định, các trường Đại học có thể dựa vào kỳ thi để tuyển sinh, nhưng nếu để phân loại tuyển sinh, các trường có thể tổ chức kỳ thi để tuyển học sinh. Ông đề nghị cải tiến nội dung đề thi theo hướng đánh giá được năng lực của học sinh, tổ chức lại kỳ thi.

Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tất Dong cho rằng, phương án thi Trung học Phổ thông sau năm 2020 phải theo kịp được sự phát triển của giáo dục thế giới, ứng dụng được tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin; đã đào tạo phải có kiểm tra, đánh giá, không nên bỏ Kỳ thi Trung học Phổ thông.

“Từ 2021 vẫn thi thế này là lạc hậu, không sử dụng được kết quả của công nghệ mới, với nền giáo dục số hóa, mang tính mở, tiếp cận kết quả kết nối công nghệ của 4.0… Một hệ thống giáo dục trong thời đại kỹ thuật số, một nhà trường thông minh cần có hình thức tổ chức thi tương ứng. Chúng ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ nếu không sẽ lạc hậu”, Giáo sư Phạm Tất Dong nói.

Theo ông, tốt nghiệp phổ thông chỉ là “hộ chiếu” để học ngành khác, không nên quá nặng nề với chấm thi. Với những học sinh trung bình yếu, có thể tốt nghiệp được. Với đại học, muốn chọn như thế nào phải tổ chức kỳ thi để chọn.

Nêu lại tinh thần phải chuyển giáo dục đào tạo theo hướng mớ, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia sau năm 2020 phải mở về đối tượng, không gian, nội dung để tạo thuận lợi nhất cho học sinh. Cơ sở hạ tầng cần phải được chuẩn bị kỹ từ địa điểm thi, trang thiết bị đến phần mềm, ngân hàng câu hỏi. Năng lực của cán bộ tổ chức các kỳ thi, của thầy cô giáo cần phải đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên.

Năm 2020 nên thí điểm thi trên máy tính
 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc đổi mới thi Trung học Phổ thông thời gian qua là cần thiết, mặc dù trong quá trình đổi mới vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc, điển hình là vụ việc gian lận thi cử trong năm 2018. Phó Thủ tướng nêu rõ, phương án thi cho giai đoạn sau 2020 nên tiếp tục có những cải tiến cần thiết để phù hợp với lộ trình tự chủ đại học, đổi mới phương pháp dạy và học trong phổ thông, đổi mới công tác dạy nghề phân luồng, đổi mới cả chương trình sách giáo khoa. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho phù hợp với xu thế, giảm sự can thiệp không cần thiết của con người. Việc xây dựng phương án thi Trung học Phổ thông sau năm 2020 chắn chắn nhưng phải rất tích cực, khẩn trương.

“Sẽ tiếp thu ý kiến, xây dựng phương án, lấy ý kiến toàn dân”, Phó Thủ tướng nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ phương án cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh; phân định hình thức thi trên máy tính trong Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia với hoạt động của các trung tâm khảo thí độc lập tổ chức thi nhiều lần trong năm. Việc ứng dụng máy tính trong thi Trung học Phổ thông quốc gia phải tính, có lộ trình từng năm, tạo điều kiện tối đa cho học sinh. Bộ phải tích cực hơn trong xây dựng ngân hàng đề thi, hiện tiến độ công việc này chưa đảm bảo như Bộ đã cam kết với lãnh đạo Chính phủ.

“Phải huy động giáo viên, trung tâm luyện thi… trong nước và nước ngoài, Bộ trưởng cần tập trung sớm thực hiện việc này. Tuy nhiên, kể cả thi trên máy cũng không nhất thiết có ngân hàng câu hỏi khổng lồ… Năm 2020, nên có thí điểm thi trên máy tính, sau đó mở rộng”, Phó Thủ tướng lưu ý.


Theo TTXVN

 

Tin liên quan